Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp suy kiệt vốn

Suốt từ đầu tháng 5/2011 đến nay, thị trường tiền tệ đã bộc lộ một sự bất ổn hiếm thấy: trong khi nguồn vốn doanh nghiệp suy kiệt thì thanh khoản ngân hàng dư thừa và tín dụng đóng băng.
 Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang loay hoay tháo gỡ bế tắc trong việc đưa vốn vào nền kinh tế.

Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
                         <<  Ngân hàng Habubank Tự Tin Phát Triển>>

Quá lo vì thanh khoản dư thừa!

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong hai tuần từ 7/5 - 11/5 và 14 - 18/5, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dư thừa. Tham khảo thêm báo cáo từ nhóm nghiên cứu của một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của hệ thống, cho thấy, đang xuất hiện nhiều nỗi lo phía sau những con số “đẹp” từ lãi suất liên ngân hàng, quy mô giao dịch OMO đến doanh số mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Những ngày cuối tuần từ 7/5 - 11/5, lãi suất VND liên ngân hàng chỉ ở mức 2,5% - 3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Thanh khoản dư, nhà điều hành hút ròng qua thị trường OMO và tín phiếu với khối lượng khoảng 6.083 tỷ đồng, ít hơn so với tuần trước, kể cả khi đã giảm số phiên phát hành tín phiếu xuống còn 1 - 2 phiên/tuần so với 4 - 5 phiên/tuần như trước đây.

Bước sang tuần từ 14/5 - 18/5, tình hình không có gì khác biệt so với tuần trước. Giao dịch VND trên liên ngân hàng tiếp tục ảm đạm, doanh số tập trung vào các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần nhưng lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản tiếp tục tốt. Và tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng khi thu về 4.111 tỷ đồng nhưng chỉ bơm ra 1.012 tỷ đồng.

Có một yếu tố quan trọng khác giúp cho thị trường VND ổn định thêm chính là sự chênh lệch lãi suất “đô - đồng”. Trong khi lãi suất USD chỉ vài phần trăm/năm, lãi suất VND 12%/năm, tâm lý găm giữ giảm mạnh, khiến giao dịch thị trường ngoại tệ sôi động đa chiều. So với tuần trước đó, cầu hạn chế trong khi cung dồi dào, tổng lượng mua vào toàn thị trường ước đạt 1,960 tỷ USD còn chiều bán ra khoảng 2,280 tỷ USD. Khá nhiều ngân hàng mua ròng từ thị trường 1 và bán ròng trên thị trường 2 nhưng nếu giá bán ngoại tệ giảm dưới mức mua vào của Ngân hàng Nhà nước và trong trường hợp trạng thái ngoại tệ dương thì họ bán ngược cho Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy, ở tuần này, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chặn tỷ giá ở mức 20.850 VND/USD, không cho giảm sâu nhưng ước tính nhà điều hành đã mua 300 - 400 triệu USD.

Trong điều kiện tín dụng đóng băng triền miên từ đầu năm tới nay (tăng trưởng tín dụng tính đến 26/3/2012 so với 31/12/2011 giảm 1,96%) để giải quyết tình trạng thanh khoản dư thừa, các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Nhưng điều bất ngờ là giao dịch trái phiếu tuần 14/5 - 18/5 khá im lìm.

Kết quả phiên đấu thầu trái phiếu ngân hàng VDB tuần qua không đáp ứng kỳ vọng của nhà tổ chức khi kỳ hạn 5 năm chỉ đạt tỷ lệ 27% và kỳ hạn 3 năm đạt 30%, lãi suất tương ứng với 2 kỳ hạn trên lần lượt là 9,5% - 9,8%, được cho là khá thấp so với phiên đấu thầu trái phiếu VDB ngày 22/2/2012.

Cùng đó, giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp cũng không khá hơn tuần trước khi lãi suất chỉ ở mức 8,65% - 8,75% - 9,28% lần lượt cho các kỳ hạn 2, 3, 5 năm, mức thấp nhất kể từ 2008. Rất có thể, các nhà đầu tư mà đặc biệt là các ngân hàng đã thận trọng hơn do kỳ vọng lạm phát xuống thấp hơn nữa.

Lời giải từ bảng cân đối tài sản doanh nghiệp

Theo phân tích của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia thì vấn đề lớn nhất và nguy hiểm nhất của nền kinh tế hiện nay chính là tình trạng doanh nghiệp suy kiệt nguồn vốn trong khi ngân hàng đóng băng tín dụng.

“Đây là mối nguy từng làm rối ren nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí cả Nhật Bản, chứ không riêng ở Việt Nam”, ông Nghĩa cảnh báo.

Theo ông, hiện nay có thể tạm phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là những doanh nghiệp tốt, có khả năng phục hồi sản xuất nhưng tồn kho cao. Với nhóm này, ngân hàng rất muốn cho họ vay tiếp tục đầu tư sản xuất nhưng vì lãi suất vẫn cao so với kỳ vọng, hàng hóa tồn kho chưa được giải phóng nên họ giãn, hoãn các quyết định vay đầu tư trung dài hạn mà chỉ vay vốn lưu động để cầm chừng hoạt động.

Nhóm thứ hai là số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế, tập trung ở khu vực tư nhân, vừa ngắc ngoải do nợ xấu cao, ít tài sản thế chấp, vừa điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Ông cho rằng, muốn khắc phục tình trạng trên thì đối với nhóm thứ nhất, cần tiếp tục hạ lãi suất tiền vay thêm nữa để họ mạnh dạn vay đầu tư trung dài hạn.

Còn đối với nhóm đối tượng thứ hai, phải tìm mọi cách làm lành mạnh bảng cân đối tài sản để đưa họ trở về chuẩn mực tín dụng, bằng cách Chính phủ phải bỏ ra một khoản tiền mua lại nợ xấu của họ thì họ mới có thể vay khoản mới.

Vậy, nhà nước lấy nguồn ở đâu để xử lý? Để tránh việc gây lạm phát trong tương lai, có thể dùng nguồn từ tín phiếu ngân hàng trung ương để quay vòng vì nguồn này phần lớn từ các ngân hàng thương mại đang thừa vốn.

Có nghĩa, thời hạn tín phiếu ngân hàng trung ương 1 năm, trong khi kỳ vọng bán được nợ xấu phải 3 - 4 năm sau mới thu được vốn về và để khắc phục sự mâu thuẫn về mặt kỳ hạn thì ngân hàng trung ương phát hành đợt đầu thu tiền về trang trải việc mua nợ xấu; một năm sau lại phát hành đợt tiếp theo để trả nợ cũ. Cứ như vậy, cho đến khi cân đối được số vốn đã bỏ ra khi bán được số nợ cũ thì dừng lại.

Tương tự, Chính phủ cũng có thể sử dụng nguồn từ trái phiếu để hỗ trợ thêm với nguồn tín phiếu. Thậm chí, trong một số trường hợp, ngân hàng trung ương có thể dùng một tỷ lệ nhỏ tiền phát hành thêm, sau đó tìm cách rút về.

Trên thực tế, để xử lý các khoản nợ xấu trong nền kinh tế, trong đó có nợ xấu ngân hàng, ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 2871/NHNN-TD, cho phép 14 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống mua bán nợ của nhau và của cả hệ thống. Nhưng xét đến cùng, điều này không giải quyết triệt để nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp vì chúng chỉ chuyển dịch từ ngân hàng khó khăn sang ngân hàng ít khó khăn và giúp một số ngân hàng thương mại giảm thiểu khả năng mất thanh khoản. Vấn đề ở đây là phải mọi cách để chúng biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp. Ở Thụy Điển, quốc hội nước này đã bỏ phiếu cho ngân hàng trung ương mua nợ xấu của ngân hàng và doanh nghiệp, trong khi chính phủ một số quốc gia khác đã dùng ngân sách để xử lý.

Phía sau giảm tổng cầu

Một câu hỏi đặt ra, vì sao lại có tình trạng doanh nghiệp đói vốn mà tín dụng lại đóng băng? Theo dõi từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế đã lặp lại một số hiện tượng khá bất thường: khi tăng trưởng cao thì lạm phát trỗi dậy; giảm lạm phát thì kinh tế suy giảm theo.

Ông Nghĩa phân tích, trong điều hành kinh tế vĩ mô, bao giờ cũng phải thiết lập điểm cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng. Nếu tăng trưởng 6% - 7% và lạm phát khoảng 8% là điểm cân bằng thì nền kinh tế ổn định; nhưng nếu phá vỡ điểm cân bằng đó, kết quả sẽ ngược lại.

Điểm cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng được điều chỉnh bởi một số “van” mà tiền tệ là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng thực tế, từ đầu năm 2011, trước tình hình lạm phát cao, Nhà nước phải ban hành Nghị quyết 11 mà trọng tâm là giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, chống lạm phát thì buộc phải giảm tổng cầu nhưng giảm mức độ nào, liều lượng bao nhiêu thì có lẽ, những nhà làm chính sách chưa tiên lượng được hết mặt trái như đang diễn ra. Việc thắt chặt tài khóa và tín dụng quá mức đã dẫn đến tình trạng tổng cầu toàn bộ nền kinh tế giảm sút quá mạnh.

Từ đó, sức mua yếu thêm, hàng hóa không bán được, nợ xấu tăng và xuất hiện vòng luẩn quẩn: nợ xấu càng tăng, ngân hàng càng hạn chế cho vay, tín dụng bế tắc và doanh nghiệp phá sản.

Theo ông Nghĩa, điều này đã được nhìn thấy rất rõ: tăng trưởng tín dụng 2010 đang ở mức 27,65%, đáng lẽ, năm 2011 tốc độ tăng giảm xuống 20% - 22% rồi giảm dần trong các năm tiếp theo. Nhưng đột ngột, tốc độ tăng tín dụng của 2011 chỉ khoảng 12% và từ đầu năm đến nay tăng rất thấp.

Song hành với thực tế này là những con số như một hệ quả đầy lo ngại: cả năm 2011, có khoảng 53.942 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 24,8% so với 2010; còn trong quý 1/2012, có 13.740 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động như ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết.

Với những gì đang diễn ra cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã thành công khi ổn định thanh khoản, tạo ra nguồn tiền dư thừa trong hệ thống. Nhưng làm thế nào để đưa vốn vào nền kinh tế thì những biện pháp như khống chế trần lãi suất tiền gửi, tiền vay, cho tổ chức tín dụng mua nợ xấu lẫn nhau, hô hào các ngân hàng thương mại cho vay giá rẻ đối với “tam nông” và doanh nghiệp nhỏ và vừa…, xét đến cùng vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ. Dĩ nhiên, đó không phải hoàn toàn là bổn phận của Ngân hàng Nhà nước, mà còn liên quan nhiều bộ ngành khác.
Ngân hàng Habubank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét