Bài liên quan : << Habubank nợ nần đã được khắc phục >>
Cơ cấu nợ cũ, đẩy nhanh cho vay mới
Các DN trong nước thiếu đơn hàng, nhất là đơn hàng dài hạn. Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay chính là các DN đã vay vốn với lãi suất cao trước đây hiện không còn khả năng trả nợ khi đầu ra bị thu hẹp.
Trước thực tế trên, cộng thêm chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây về việc điều chỉnh khoản vay cũ xuống mức 15% cùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8 - 10% trong 6 tháng còn lại của năm 2012, nhiều NH phải chủ động cơ cấu lại nguồn vốn vay cũ cũng như đẩy nhanh vốn ra để lưu thông.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc NH Sacombank cho biết, Sacombank đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm đối với khách hàng DN và hộ dân. Theo thống kê, Sacombank có khoảng 26.000 tỷ đồng dư nợ tại NH được điều chỉnh trong đợt này và bình quân lợi nhuận Sacombank giảm 80 tỷ đồng/tháng.
Sacombank đã ký kết biên bản thỏa thuận hỗ trợ 1.110 tỷ đồng vốn với hạn mức cho vay mỗi DN từ 30 - 300 tỷ đồng, giải ngân từ nay đến cuối năm 2012 cho16 DN tại TP.HCM lãi suất 13%/năm cố định trong 3 tháng đầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, cho biết, 379 hợp đồng vay cũ tại OCB đã giảm lãi suất xuống dưới 15% cho các đối tượng thuộc bốn lĩnh vực ưu tiên.
Thậm chí, có những khách hàng hiện nay được cơ cấu lại nợ lãi suất chỉ còn 12% vì “sức khỏe” những khách hàng này đang rất yếu buộc OCB phải linh hoạt về lãi suất để hỗ trợ DN. Còn đối với các lĩnh vực khác, theo ông Tùng, tùy theo uy tín của DN, NH sẽ xem xét giảm lãi suất nếu thấy cần thiết.
Tương tự, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc NH HDBank, cũng thông tin về việc NH đang đang tập trung ưu tiên cơ cấu lại nợ cho các khách hàng DN thân thiết, có hoạt động hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn tốt xuống dưới 15%. Lãnh đạo NH SHB cho biết còn 35% khách hàng đang vay với LS trên 15%/năm, hiện các chi nhánh NH đang giảm LS cho các khoản vay này, không phân biệt khách hàng cá nhân, DN.
Cơ hội giấu nợ xấu?
Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về những hành động hiện tại của NH. Thậm chí, không ít người hoài nghi việc điều chỉnh lãi suất cho vay khách hàng cũ đã vay trước đây xuống 15%/năm, mục đích sâu xa chỉ nhằm giấu khoản nợ xấu vốn có tại các NH (nợ xấu của NH tính đến tháng 6 là 6,3%, cao hơn nhiều so cuối năm 2011).
Theo đó, nợ xấu tồn tại nhiều năm là sự tích lũy dồn tụ của những năm tăng trưởng nóng trước đó. Một phần do NH thẩm định dự án không chính xác, giải ngân vội với lãi suất cao khiến DN mất đi phương hướng kinh doanh.
Và khi có quá nhiều vốn, DN đầu tư đa ngành, đầu tư theo phong trào mà không có sự quản lý giám sát của NH, dẫn đến nợ xấu ngày hôm nay. Thay vì phải cơ cấu các NH yếu thì nay, chỉ thị ban hành như cơ hội để NH và DN bắt tay nhau biến hóa các khoản nợ sắp đến thời hạn báo cáo cuối năm, nay nợ xấu thành nợ tốt bằng cách đảo nợ, gia hạn nợ với lãi suất rẻ...
Có lẽ đây chỉ là những ý kiến suy luận dựa trên diễn biến thị trường. Và dẫu rằng còn rất nhiều ý kiến phản đối từ phía DN không được vay vốn rẻ hay DN không được cơ cấu nợ cũ... nhưng thực tế cho thấy, gần đây hệ thống NH thương mại đã có nhiều hy sinh lợi nhuận (chuyện mà trước nay hiếm có), hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn là điều đáng ghi nhận.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hầu hết các NH thương mại đều đã cơ cấu lại nợ cũ cho DN. Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ nhưng tính sơ bộ trên địa bàn thành phố đã có trên 4.200 DN nhỏ và vừa tiếp cận 25.200 tỷ đồng với lãi suất tối đa 13%/năm, lãi suất phổ biến từ 12 - 12,5%/năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét